Triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá đầy khả quan với tốc độ tăng trưởng GDP cao và chỉ số CPI được kiểm soát ổn định. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo sẽ còn tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Đi kèm với đó, tốc độ tăng trưởng nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tương đối ổn định trong ngắn hạn. Ở khu vực thành thị, tăng trưởng thị trường được thúc đẩy bởi sự gia tăng về giá mua bình quân, trong khi đó, thị trường nông thôn vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt về khối lượng tiêu thụ.
Tuy nhiên, trong tháng 11 vừa qua, thị trường thành thị đã tăng trưởng chậm hơn so với nông thôn, nguyên nhân là do sự sụt giảm khối lượng của ngành sữa và thức uống. Trong khi đó, ngành sữa ở nông thôn tăng trở lại và trở thành ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Các ngành hàng khác cũng tăng trưởng tốt ở khu vực nông thôn.
Theo báo cáo của Kantar World Panel, mặc dù thị trường FMCG chững lại ở thành thị 4 thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ), nhưng ngành hàng hạt nêm phân khúc rau củ (chay) vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ tiếp cận được nhiều người mua hơn.
Thêm 1 lý do khiến phân khúc này tăng trưởng, đó là nhờ vào mùa Vu Lan. Điều này được thể hiện rõ tại TP.HCM hơn Hà Nội, cho thấy sự khác nhau trong thói quen nấu ăn giữa hai khu vực.
Cụ thể, khối lượng hạt nêm rau củ được mua mùa Vu Lan 2018 là 0,5kg/hộ gia đình – tăng 10% so với cùng kỳ.
Giá mua bình quân là 86.0000 đồng/kg.
Một dấu ấn khác của thị trường FMCG tháng qua là sự tăng trưởng mạnh mẽ của các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và kênh trực tuyến ở khu vực thành thị. Điều này đã khiến cho hoạt động mua sắm hiện đại tại các thành phố trở nên tấp nập hơn.
Bên cạnh đó, siêu thị và đại siêu thị cũng duy trì tăng trưởng ổn định, trong đó đại siêu thị đang tăng tốc. Ở nông thôn, nhiều người mua sắm chọn đến các cửa hàng bách hóa và các kênh hiện đại hơn, tiềm năng cho việc đầu tư trong tương lai.
Ở khu vực thành thị, mua sắm trực tuyến đang chiếm ngôi đầu về tăng trưởng giá trị với mức tăng 175%. Tiếp đến là mô hình siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi với tăng trưởng 45% về giá trị. Cửa hàng chuyển doanh tăng 21%, siêu thị/đại siêu thị tăng 8%, chợ truyền thống tăng 1%. Các mô hình giảm về giá trị gồm cửa hàng bách hóa (giảm 3%), tiệm tạp hóa nhỏ (giảm 8%).
Còn tại nông thôn, duy nhất có chợ truyền thống giảm 2% về giá trị, còn lại các mô hình đều ghi nhận sự tăng trưởng về giá trị, cụ thể: Siêu thị/đại siêu thị tăng 23%; cửa hàng bách hóa tăng 18%; tiệm tạp hóa nhỏ tăng 5%.
Tiêu điểm của tháng 11 theo đánh giá là sự phát triển của hoạt động tiêu dùng bên ngoài. Xu hướng chi tiêu vào ăn uống bên ngoài nhiều hơn của người Việt trong thời gian gần đây đã phần nào khiến cho ngành dịch vụ ăn uống phát triển. Theo đó, chỉ riêng trong thị trường trà và cà phê đã có hàng loạt những chuỗi cửa hàng mới với cả các thương hiệu trong nước và nước ngoài ra đời. Điều này không chỉ làm cho thị trường sôi động hơn mà đã tác động ngược lại, thúc đẩy thêm sự phát triển của tiêu dùng bên ngoài.